Có 106 doanh nghiệp được giám sát và đánh giá quá trình thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử năm thứ 5 (từ 1/1/2016 đến 31/12/2017), tăng 20 doanh nghiệp so với lần xếp hạng thứ 4. Hội đồng đánh giá và xếp hạng dựa trên thông tin thu nhập từ các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động Việt Nam ở các nước tiếp nhận lao động, kết quả phỏng vấn người lao động…
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch VAMAS cho biết, mặc dù số DN tham gia COC-VN năm 2017 chỉ chiếm 34% số DN được cấp phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhưng số lao động do các DN này đưa đi chiếm tới gần 70% tổng số lao động xuất cảnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư Thương mại Thịnh Long chia sẻ: “Với việc đăng ký tham gia tham gia phiên bản cập nhật của Bộ Quy tắc ứng xử áp dụng từ năm 2018, Công ty Thịnh Long thể hiện cam kết luôn nỗ lực nâng cao trách nhiệm, đạo đức tuyển dụng và bảo vệ tốt hơn người lao động”.
Theo bà Hoa, Bộ Quy tắc sẽ tập trung nhiều hơn vào việc giảm phí cho người lao động; công bố các chi phí trong các quảng cáo, tuyển dụng hợp đồng; giải quyết những thách thức mà người lao động, đặc biệt là nữ lao động giúp việc gia đình, thường gặp phải…
Một điểm mới nữa của Bộ Quy tắc là bên cạnh các thành viên giám sát đến từ Hiệp hội VAMAS, quá trình giám sát và đánh giá của Bộ Quy tắc còn bao gồm: Đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH) và người lao động.
“Hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp tuyển chọn là mắt xích quan trọng trong việc bảo vệ người lao động khỏi bị lạm dụng”, TS Chang-Hee Lee nói.